Khi mới vào TP. Nha Trang, trong một lần đi ăn sáng, tôi mừng húm vì thấy một quán vỉa hè ở đường Tô Vĩnh Diện có bán mì quảng. Chọn ghế ngồi, gọi một tô mì quảng, tôi mơ màng nghĩ về mùi vị thơm ngon của món ăn trứ danh xứ Quảng. Đến khi bà chủ quán bưng ra tô mì quảng thì tôi ngớ người, vì đây không phải là món mì quảng mà mình đã biết. Hỏi ra mới biết, ở xứ Trầm Hương hiện nay có 2 món ăn đều được gọi là mì quảng: Mì quảng xứ Quảng và mì quảng Nha Trang; tên gọi giống nhau nhưng cách chế biến lại khác xa nhau. Trước hết về sợi mì, nếu mì quảng xứ Quảng là những sợi mì to mềm và mượt được làm bằng bột gạo, thì mì quảng Nha Trang sợi bánh nhỏ màu vàng (bánh phở khô), rất dai. Điểm khác thứ hai, nếu mì xứ Quảng ăn với thịt (thịt heo, thịt gà) được nấu nhừ cùng gia vị thì mì quảng Nha Trang ăn với thịt luộc và có thêm chả cá. Cái khác rõ ràng nhất, tô mì quảng Nha Trang bao giờ cũng chan nước lèo đầy ắp, chứ không phải xâm xấp dưới đáy tô như mì xứ Quảng. Thêm nữa, mì quảng Nha Trang không ăn kèm với bánh tráng nướng!
Mì quảng Nha Trang có khắp các nẻo đường ở TP. Nha Trang, từ vỉa hè cho đến những tiệm sang trọng. Mỗi khi có khách gọi mì, người chế biến sẽ lấy nhúm bánh phở khô màu vàng trụng qua nước nóng già. Bỏ bánh vào tô, người bán hàng sắp lên ít chả cá, vài lát thịt luộc thái mỏng, nếu sang thì cho thêm khoanh giò heo, sau đó múc nước lèo (nấu bằng xương) ngập, cuối cùng nêm hành lá, hành phi cho thêm ít đậu phụng rang trên bề mặt. Đi kèm với tô mì quảng Nha Trang là đĩa rau sống bắt mắt với xà lách, rau thơm, bắp chuối… được thái sợi mỏng, trộn thêm ít giá. Người Nha Trang ăn mì quảng Nha Trang hàng ngày giống như người Hà Nội ăn phở, người Huế ăn bún bò vậy, bởi sự quen thuộc về hương vị và giá cả bình dân (từ 10.000 – 15.000 đồng/tô). Không chỉ người Nha Trang, nhiều khách du lịch đến thành phố biển cũng rất thích thú với món mì quảng Nha Trang.
Khác với sự phổ biến của mì quảng Nha Trang, hiện ở thành phố biển chỉ có vài nơi nơi bán mì quảng xứ Quảng. Đó là quán 126 Hồng Bàng, quán mì quảng ở góc đường Bạch Đằng giao nhau Tô Hiến Thành, quán mì quảng Thủy Cát (số 10 Trần Văn Ơn)… Mỗi quán đều có sự khác nhau, nhưng việc chế biến lại có những nguyên tắc chung như: mì được ăn với thịt gà, tôm, thịt heo; sợi mì mềm và mượt; nước lèo béo và ngọt; rau sống được làm từ bắp chuối, xà lách, bắp cải, rau húng…, và đương nhiên không thể thiếu đậu phụng rang và bánh tráng. Ăn mì quảng mà thiếu bánh tráng coi như không đúng cách. Bánh tráng đem lại cho thực khách vị giòn giã và thơm tho, vị béo của dầu mỡ quyện với vị béo của bột gạo nướng trong bánh tráng càng làm cho người ăn có cảm giác ngon miệng.
Trong số các quán mì quảng xứ Quảng ở Nha Trang, quán Thủy Cát được khách ưa chuộng nhất. Quán này được xem là phiên bản của quán mì Quảng Thủy rất nổi tiếng ở TP. Cam Ranh. Chuyện là cách đây khoảng 30 năm, một gia đình người gốc Đà Nẵng di cư vào Cam Ranh mở quán mì quảng Thủy Cát. Và khi người con gái của gia đình này lấy chồng ở TP. Nha Trang, cách đây vài năm đã lập nên quán mì quảng Thủy Cát ở đường Trần Văn Ơn. Mì quảng ở đây giữ đúng kiểu xứ Quảng với những sợi mì trắng mềm và mượt, nước lèo béo và ngọt. Nhìn tô mì đầy đặn, với những miếng thịt gà thơm nức, những lá rau ngò xanh xanh, dăm ba hạt đậu phụng được rải đều… là muốn ăn ngay. Và đúng là phải ăn ngay, bởi ăn mì quảng mà để nguội sẽ mất ngon, lá mì sẽ bị tơi ra, rau sống héo đi, mùi thơm giòn của đậu sẽ bị tản bớt. Tôi không dám chắc mì quảng ở đây ngon hơn những nơi khác, thế nhưng thường những quán bán những món ăn chuyên biệt vẫn được đánh giá cao hơn những nơi bán nhiều món cùng một lúc.
Một điều khá đặc biệt, mì quảng xứ Quảng và mì quảng Nha Trang đều dễ ăn, hợp khẩu vị với nhiều người. Với nhiều người Nha Trang và khách du lịch thường thưởng thức cả 2 món mì này thì quả thật khó để nói món mì quảng nào ngon hơn, bởi mỗi món có những dư vị riêng khó có thể so sánh. Sự “tréo ngoe” của món mì quảng cũng chính là một đặc tính của ẩm thực xứ Trầm Hương: luôn dung nạp văn hóa ẩm thực của những vùng miền khác và cũng biết dựa vào đó để tạo nên những món mới của riêng mình.